Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (Luật năm
2022) là sự thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng có liên quan
đến dân chủ ở cơ sở tại Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị khoá VIII,
Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XI, Nghị quyết Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các văn bản có liên quan. Bảo
đảm tính hợp hiến, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Kế
thừa, phát triển và hoàn thiện những quy định của pháp luật về thực hiện
dân chủ ở cơ sở đã được thực tiễn kiểm nghiệm là hợp lý, đúng đắn và
hiệu quả; sửa đổi những quy định mà qua thực tiễn cho thấy không còn phù
hợp. Bảo đảm phát huy dân chủ gắn với tăng cường pháp chế, kỷ cương xã
hội; bảo đảm tính khả thi của Luật.
Mục đích xây dựng Luật này nhằm hoàn
thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm quyền lực nhà
nước thuộc về nhân dân; tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân
dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân là người chủ
của đất nước. Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và trách
nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị và doanh
nghiệp.
Trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù
hợp của Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 về việc thực
hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày
09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ
quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định
số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và
hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động năm 2019 về điều
kiện lao động và quan hệ lao động (trong đó quy định về thực hiện dân
chủ tại nơi làm việc), Luật năm 2022 quy định về nội dung, cách thức
thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực
hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá
nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Như vậy, không chỉ thực hiện dân chủ ở
xã, phường, thị trấn mà Luật còn điều chỉnh đến việc thực hiện dân chủ
trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức có sử dụng
lao động.
Những điểm mới cơ bản
Trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù
hợp của Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, Nghị định số 04/2015/NĐ-CP và
Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, Luật năm 2022 có nhiều điểm mới cơ bản, đó
là: Bổ sung nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt
đối xử trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Quy định cụ thể quyền và
nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động
trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó bổ sung quy định về ủy quyền
thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi
phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở và nghĩa vụ kịp thời phản
ánh, kiến nghị, báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi
phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền thụ hưởng thành quả
phát triển kinh tế - xã hội của đất nước,...
Về thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn:
Mở rộng phạm vi công khai thông tin ở cấp xã phù hợp với quy định của
Luật Tiếp cận thông tin và pháp luật hiện hành. Đa dạng hóa hình thức
công khai thông tin ở cấp xã, bổ sung một số hình thức mới như đăng tải
thông tin trên Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử; thông
qua hội nghị trao đổi, đối thoại giữa UBND cấp xã với nhân dân; thông
qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người
phát ngôn của UBND cấp xã theo quy định của pháp luật,...
Mở rộng dân chủ trực tiếp tại cấp xã theo
hướng bổ sung các vấn đề nhân dân bàn và quyết định trực tiếp; quy định
về sáng kiến đề xuất của nhân dân. Quy định về hình thức văn bản của
cộng đồng dân cư, việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các nghị quyết
của cộng đồng dân cư; thay đổi thẩm quyền công nhận hương ước, quy ước
của thôn, tổ dân phố từ UBND cấp huyện sang UBND cấp xã. Bổ sung quy
định về trách nhiệm lấy ý kiến nhân dân, ý kiến của đối tượng chịu sự
tác động trong quá trình UBND cấp xã ban hành các quyết định hành chính
liên quan đến lợi ích của cộng đồng hoặc quyết định hành chính có nội
dung xác lập nghĩa vụ, làm chấm dứt, hạn chế quyền, lợi ích của đối
tượng thi hành.
Về thực hiện dân chủ trong nội bộ cơ quan, đơn vị:
Không quy định về dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc với
công dân, cơ quan tổ chức có liên quan do vấn đề này đã được quy định
tại các luật chuyên ngành và pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước, quy
chế làm việc của các cơ quan, đơn vị. Bổ sung hình thức công khai thông
tin là thông báo qua hệ thống thông tin nội bộ hoặc đăng trên cổng,
trang thông tin của cơ quan, đơn vị. Bổ sung hình thức kiểm tra, giám
sát thông qua hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với
chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, đơn vị theo quy định của cơ
quan có thẩm quyền.
Về trách nhiệm tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở: Quy
định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Quy định cụ thể
trách nhiệm của HĐND, UBND cấp xã, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, người
sử dụng lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Quy định kết quả thực
hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị là căn cứ để đánh giá, xếp loại chất
lượng cán bộ, công chức, viên chức, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá và
xếp loại chất lượng đảng viên đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, Bộ Nội vụ,
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và chế độ báo cáo về thực hiện dân
chủ ở cơ sở. Quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, cấp huyện trong
việc thực hiện các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Cơ chế bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở:
Thể chế hóa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính
trị - xã hội “làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ” (trích Nghị quyết Đại
hội XIII của Đảng), Luật năm 2022 đã quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân
phố, vai trò, trách nhiệm của công đoàn, tổ chức đại diện người lao động
ở cơ quan, tổ chức, đơn vị trong từng việc, từng bước, từng khâu thực
hiện dân chủ một cách thống nhất, xuyên suốt (các Điều 23, Điều 28, Điều
40, Điều 45, Điều 52, Điều 55, Điều 63, Điều 70, Điều 78, Điều 82); bổ
sung các quy định về trách nhiệm của công dân, cán bộ, công chức, viên
chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở (Điều 24, Điều 29);
quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 9) và việc xử lý vi
phạm pháp luật trong thực hiện dân chủ ở cơ sở (Điều 10) nhằm bảo đảm kỷ
luật, kỷ cương trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Về Thanh tra nhân dân: bổ sung
chế định Thanh tra nhân dân (hiện đang điều chỉnh tại Luật Thanh tra)
sang quy định tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật quy định theo
hướng khái quát về chức năng, nhiệm vụ của Ban Thanh tra nhân dân và
giao Chính phủ phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định cụ
thể về tổ chức, hoạt động của cơ quan này.
Về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật:
Luật quy định các nội dung giao Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt
Nam quy định chi tiết và các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn thi hành
Luật.
Xử lý vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở:
Pháp lệnh 34 và Nghị định 04/2015/NĐ-CP về thực hiện dân chủ trong hoạt
động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập không
có điều khoản riêng về xử lý các hành vi vi phạm trong thực hiện dân
chủ ở cơ sở.
Luật năm 2022 đã quy định cụ thể việc xử
lý hành vi vi phạm pháp luật về dân chủ ở cơ sở sẽ bị xử phạt hành
chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại, xử lý kỷ
luật; riêng đối với cán bộ, công chức viên chức thì còn phải bồi hoàn
theo quy định của pháp luật.
Triển khai thi hành Luật
Ngày 06/4/2023, Thủ tướng Chính phủ có
Quyết định số 346/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thực
hiện dân chủ ở cơ sở, chỉ đạo việc tổ chức quán triệt, tuyên truyền,
phổ biến và tập huấn nội dung Luật, với thời gian, hình thức và phân
công cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp rất cụ thể. Kế hoạch nêu:
- Bộ Nội vụ tổ chức tập huấn chuyên sâu
về Luật và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật cho các
đối tượng là cán bộ, công chức, người làm công tác tham mưu, quản lý nhà
nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở của các bộ, ban, ngành, cơ quan trung
ương, đơn vị sự nghiệp công lập.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức tập
huấn chuyên sâu về Luật và các văn bản quy định chi tiết một số điều của
Luật cho cán bộ, công chức của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện,
cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.
- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam tổ chức tập huấn chuyên sâu về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và và
các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật cho cán bộ Mặt trận
các cấp và thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của
cộng đồng.
- Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt
Nam tổ chức tập huấn chuyên sâu về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các
văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật cho đoàn viên công đoàn,
người lao động trong các tổ chức có sử dụng lao động, thành viên Ban
Thanh tra nhân dân trong cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động.
Có thể khẳng định, Luật năm 2022 là một
bước tiến mới trong tiến trình phát huy dân chủ của nước ta, là nền tảng
chính trị, pháp lý quan trọng để Đảng và Nhà nước tiếp tục hoàn thiện
đường lối, chủ trương; chính sách, pháp luật về dân chủ nói chung, dân
chủ ở cơ sở nói riêng, từ đó góp phần hoàn thiện các thiết chế về dân
chủ. Các quy định của Luật năm 2022 nhằm tiếp tục khẳng định và góp phần
thực hiện có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm
tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” của Đảng, bảo đảm quyền làm chủ và
vai trò tự quản của nhân dân ngay từ cấp cơ sở. Với đạo luật này, thực
hiện dân chủ ở cơ sở không còn là khẩu hiệu chung chung mà đã trở thành
quy phạm pháp luật quy định cụ thể về quyền của người dân, nhân dân đã
có công cụ pháp lý vững chắc để thực hiện quyền làm chủ của mình. Người
dân được biết, được bàn, được giải phóng sức sản xuất và sáng tạo, được
kiểm tra, giám sát, tài chính công khai, minh bạch hơn, từ đó nhân dân
có điều kiện thực tế để thụ hưởng những thành tựu mà dân chủ mang lại.